Ưu điểm Đánh giá người Việt

Đánh giá chung

Một số tác giả cho rằng con người Việt Nam có những nét tính cách truyền thống như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, coi trọng tình nghĩa, cần cù, hiếu học đã tạo nên lịch sử đặc trưng của Việt Nam.[10]

Trong tính cách nói chung của con người Việt Nam và trong từng nét tính cách nói riêng đều ẩn chứa tính hai mặt, cái tốt và cái xấu, giá trị và phản giá trị.[10] Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại.[11][12]

Thái độ coi trọng cộng đồng đã trở thành một nét tính cách truyền thống đặc trưng của con người Việt Nam.[10] Mặc dù tính cộng đồng cao là một nét tính cách của con người Việt Nam có chứa đựng nhiều giá trị, song bên cạnh đó cũng có nhiều mặt hạn chế. Cộng đồng được đề cao quá mức đã ức chế sự phát triển cá tính, kìm hãm sự phát triển cá nhân vì cộng đồng không chấp nhận cá nhân đứng ngoài cộng đồng và cá tính không phù hợp với "Luật bầy đàn" của cộng đồng.

Người Việt rất coi trọng tình nghĩa,[13] như tinh thần đùm bọc, giúp đỡ và quan tâm nhau. Theo nhà nghiên cứu Hồ Sỹ Quý, Việc coi trọng tình nghĩa tới mức thái quá đương nhiên không phải là giá trị tốt trong mọi hoàn cảnh. Coi trọng tình nghĩa tới mức coi thường hiến pháp và pháp luật như "phép vua thua lệ làng", "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình" thì khó có thể chấp nhận được.

Cần cù lao động là một giá trị đạo đức nổi bật. Người Việt Nam được các dân tộc khác thừa nhận là có tinh thần hiếu học,[14] cộng với bản chất thông minh, dễ tiếp thu và một nền giáo dục có truyền thống cả ngàn năm. Người Việt Nam xem giáo dục cao hơn sự giàu có và thành công và là trụ cột của văn hóa.[15]

Nhà truyền giáo người Ý Francesco Buzomi nhận xét:

Nhờ Khổng giáo, xã hội và gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao, người dân Việt Nam có những đức tính, phong tục rất đáng khâm phục, [...] Người Việt không nghiêng về văn chương, tính tình không thâm hiểm như người Tàu. Họ không quá nghiêng về quân bị, tính tình không độc ác như người Nhật, dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tin như người Tàu.[16]

Đánh giá theo địa phương

Sách Xứ Đàng Trong năm 1621 của thương gia người Ý Cristoforo Borri, có ghi chép về đặc tính của người Việt ở Đàng Trong như sau:[2]

  1. Dịu dàng và lịch thiệp
  2. Trọng khách, giản dị,
  3. Đoàn kết, thành thật với nhau
  4. Hay chia sẻ, quảng đại
  5. Yêu thích và dễ tiếp thu văn hóa nước ngoài

Tác giả Peter G. Bourne trong sách Men, stress, and Vietnam xuất bản năm 1970 có đánh giá về ưu điểm khiến người miền Bắc chiếm nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền Sài Gòn gồm[17]

  1. Làm việc chăm chỉ,
  2. Có tính kiên trì,
  3. Luôn mong muốn vượt lên phía trước.

Theo ông Mai Thanh Thế, người Việt Nam Bộ có những ưu điểm sau:[18]

  1. Tinh thần yêu quê hương đất nước, mà cao nhất là tinh thần yêu nước rất nổi trội, nhất là trước hoạ ngoại xâm.
  2. Bản lĩnh kiên cường, khí phách hiên ngang, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài, hào hiệp và phóng khoáng, bình đẳng và ít bảo thủ.
  3. Tinh thần dân chủ và cộng đồng cao, khả năng hợp tác cao, có óc thực tế và thích ứng nhanh.
  4. Năng động, sáng tạo cao; dám nghĩ dám làm, tài ứng biến, thích rũ bỏ cái cũ không còn thích hợp với hoàn cảnh mới.
  5. Tính cá nhân, tính tự do, độc lập tự chủ, ít phụ thuộc trực tiếp, gò bó vào cộng đồng như những cư dân Bắc-Trung Bộ.
  6. Biết tính toán, dám làm ăn lớn, và mạo hiểm.
  7. Cởi mở, bộc trực mà hoà đồng.
  8. Sẵn sàng xả thân cứu người vì nghĩa lớn.
  9. Cần cù và chịu khó trong lao động sản xuất.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đánh giá người Việt http://chungta.com/tulieu/con-nguoi-1/dac_diem_tam... http://aut.vjol.info/index.php/phil/article/viewFi... http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2... http://tuanvietnam.net/ng%C3%A0y http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/nguoi-viet-... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://en.wikisource.org/wiki/1911_Encyclop%C3%A6d... http://vi.wikisource.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_pho... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/images/nhanxet.pdf http://baophapluat.vn/xa-hoi/nhan-dam-to-chat-nguo...